Thành ngạnh: Vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc

Thành ngạnh là 1 loài cây có vùng phân bố khá rộng, gồm hầu hết các nước ở Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Ấn Độ và các tỉnh ở phía nam Trung Quốc. Còn ở Việt Nam thì thành ngạnh mọc phổ biến ở hầu hết các tỉnh thuộc vùng núi thấp (< 600 m) và trung du.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt:

Thành ngạnh.

Tên khác:

Cây đỏ ngọn; Ngành ngạnh; Lành ngạnh.

Tên khoa học:

Cratoxylon prunifolium Dyer.

Đặc điểm tự nhiên

Cây to hoặc nhỡ, chiều cao 6 – 12 m, ở gốc có gai. Cành non có lông tơ màu vàng nhạt, cành già thì nhẵn, màu xám.

Thân ở phía ngọn có màu đỏ do lông tơ màu đỏ nên có tên là đỏ ngọn.

Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc mác, gốc thuôn, đầu nhọn, chiều dài 6 – 11 cm, chiều rộng 2,5 – 3,5 cm, mặt trên lá có lông nhỏ, dày hơn ở mặt dưới; lá non thì có màu hồng đỏ và có lông tơ; cuống ngắn.

Hoa màu hồng nhạt, mọc riêng lẻ hoặc thành chùy nhỏ khoảng 4 – 6 cái ở kẽ lá; lá đài thì có lông ở mặt ngoài, đầu cánh hoa có khía răng; nhị nhiều; bầu có dạng hình nón.

Quả nang, chiều dài 1,5 cm, chiều rộng 0,7 – 0,8 cm. Hạt hình trứng chiều dài 0,6 cm, chiều rộng 0,3 cm.

Mùa hoa quả thường rơi vào tháng 5 đến tháng 7.

Cratoxylon prunifolium DyerCây Thành ngạnh

Phân bố, thu hái, chế biến

Ở vùng đồng bằng thì thường ít gặp vị thuốc này. Thành ngạnh mọc nhiều ở các tỉnh miền núi, nhất là vùng núi phía Bắc của nước ta như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu,…

Thành ngạnh là loài cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao. Cây này hay mọc lẫn chung với các cây bụi khác ở phần đồi, bờ nương rẫy hay ven rừng thưa. Còn ở nhiều nơi thuộc tỉnh Bắc Giang, Hà Tây, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc cây này mọc tập trung gần như thuần loài ở trên các đồi cây bụi.

Thành ngạnh có bộ rễ cọc khỏe và cắm sâu xuống dưới đất dài đến hơn 1m vì vậy nên thành ngạnh vẫn có thể sinh sống và phát triển được cả trên đất khô cằn, trơ sỏi đá. Hàng năm cây ra hoa và quả nhiều; tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cho dù thành ngạnh có bị chặt phá nhiều lần thì phần còn lại của cây vẫn có thể tái sinh cây chồi khỏe.

Thông thường người ta hay hái lá thành ngạnh để pha nước uống hay làm thuốc. Lá thành ngạnh dùng tươi hoặc có thể ủ rồi phơi khô mới dùng. Ngoài phần lá hay sử dụng làm thuốc, phần thân cành của cây cũng được dùng làm củi.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của thành ngạnh là lá, vỏ thân, rễ dùng tươi hay ủ rồi phơi khô.

Thành phần hoá học

Cách đây nhiều năm thì cây thành ngạnh hay cây đỏ ngọn đã nhận được khá nhiều sự quan tâm từ giới khoa học. Năm 1995 Tiến sĩ Nguyễn Liêm – nguyên Chủ nhiệm khoa Dược học của Học viện Quân y cùng với cộng sự đã phát hiện ra 2 hoạt chất nằm trong lá thành ngạnh là tanin và flavonoid.

Kết quả nghiên cứu của ông chỉ ra rằng lá thành ngạnh có khả năng chống oxy hóa rất mạnh. Nếu so sánh khả năng này của thành ngạnh với các dược liệu khác cũng có hoạt tính oxy hóa mạnh như chè xanh, xoan trà thì sẽ thấy rằng tác dụng chống oxy hóa của lá thành ngạnh đứng đầu bảng.

Chính từ kết quả nghiên cứu này mà ngày nay loài cây này được ứng dụng để làm thuốc giúp bảo vệ tế bào, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và tăng cường tuần hoàn máu não.

Thành ngạnhThành ngạnh có nhiều công dụng đặc biệt

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền thì thành ngạnh có vị đắng chát, tính mát, có thể dùng để thanh nhiệt, giải độc, lợi tiêu hóa. Trong dân gian phụ nữ sau đẻ hay dùng lá thành ngạnh để nấu nước uống. Mỗi ngày dùng 15–30g, có thể thêm ít lá vối để giúp tiêu hóa, ăn ngon miệng hay phối hợp với lá ngải hoa vàng sắc uống dùng để chữa sốt, mồ hôi trộm, tay chân rã rời. Ngoài ra còn sử dụng để trị viêm ruột, tiêu chảy và cảm sốt, khản cổ, ho mất tiếng dưới dạng vỏ cây hay nước sắc lá.

Ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) người ta hay sử dụng thành ngạnh để điều trị cảm mạo, cảm nắng, viêm dạ dày-ruột cấp tính. Còn ở Ấn Độ thì người ta hay sử dụng nước sắc vỏ cây uống để chữa cơn đau bụng và dùng nhựa từ vỏ cây bôi để chữa ngứa.

Theo y học hiện đại

Cao chiết thành ngạnh cho tác dụng hoạt hóa hệ thần kinh, trong đó có hệ thần kinh thực vật, biểu hiện thông qua sự gia tăng hàm lượng catecholamin trong máu và tăng nhẹ thành phần sóng beta trên điện não đồ ở những con thỏ được cho uống thuốc.

Dịch chiết cây tành ngạnh cho tác dụng làm tăng khả năng thành lập phản xạ có điều kiện cũng như dập tắt phản xạ trên chuột nhắt trắng, qua đó làm gia tăng các quá trình hưng phấn và ức chế có điều kiện trên động vật thí nghiệm.

Liều dùng & cách dùng

Có thể sử dụng lá tươi hay lá khô đều được. Nếu không có điều kiện dùng lá tươi có thể mua các sản phẩm đã được phơi khô để hãm trà uống hàng ngày.

Liều dùng và cách dùng: Lá khô 30g hay lá tươi 60g, thêm 1l nước sôi rồi ủ trong thời gian khoảng 30 phút là dùng được.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa bỏng

Lá thành ngạnh giã nát rồi trộn với nước vo gạo đặc sau đó đắp lên vết bỏng.

Chữa bí tiểu tiện

Lá thành ngạnh 20g, thân rễ mía dò 10g, băm nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống chia làm 2 lần trong ngày.

Phòng cảm nắng, chữa lỵ

Lá non tành ngạnh, sắc uống thay cho chè.

Chữa vết thương

Ngọn non thành ngạnh 60g, hạt cau già 30g, cỏ nhọ nồi 50g, vôi bột 40g. Đem tất cả phơi khô, tán bột rồi rây thật mịn. Rắc lên trên vết thương đã được phủ bằng một lớp gạc mỏng. Trong trường hợp vết thương có mủ thì rắc nhiều bột để thấm mủ. Thuốc sẽ hút mủ tốt giúp cho vết thương khô, sạch, chóng lên da non tạo cảm giác mát và dễ chịu.

công dụng của cây thành ngạnhThành ngạnh có thể chữa lành vết thương rất tốt

Lưu ý

Không có thông tin.