Tắc kè đá: Dược liệu điều trị các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp

Tắc kè đá còn được biết đến với một tên gọi quen thuộc là Cốt toái bổ với công dụng mạnh gân cốt, bổ thận, tán ứ và hoạt huyết. Tắc kè đá thường được kết hợp trong các bài thuốc điều trị thận khí hư suy gây các bệnh lý cơ xương khớp như đau lưng, mỏi gối,…

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cây tắc kè đá.

Tên khác: Tổ rồng, Tổ phượng, Cốt toái bổ, Bổ cốt toái.

Tên khoa học: Drynaria bonii Christ thuộc, Họ Ráng (Polypodiaceae), Lớp Dương xỉ ( Polypodiaceae). Ở Việt Nam có mấy loài Tắc kè đá đều được dùng làm thuốc như: Drynaria fortunei J. Sm, Drynaria bonii Christ.

Đặc điểm tự nhiên

Tắc kè đá là loài thực vật sống cộng sinh trên đá hoặc những thân gỗ lớn. Thân rễ có dạng mầm như củ gừng, có lông và được phủ vảy màu vàng bóng.

Tắc kè đá 1Tắc kè đá một loài dược liệu thuộc họ Dương xỉ

Cây có 2 dạng lá trên cùng một cây. Một loại là lá hứng mùn thì khô, màu nâu ôm chặt vào thân và có hình trái xoan. Còn 1 loại lá khác là lá bình thường. Lá này thường dài 25 – 45cm, phiến lá màu xanh, lá xẻ thùy lông chim, mỗi lá gồm có 3 – 7 cặp lông chim, cuống dài 10 – 20cm. Lá hứng mùn có hình trái xoan, thường khô, có màu nâu và ôm lấy thân. Mặt dưới lá có các túi bào tử nằm rải rác không đều. Cốt toái bổ sinh sản bằng cách phán tán những bào tử này ra môi xung quanh vào tháng 5 – 6 hằng năm.

Drynaria fortunei J. Sm có lá xẻ răng cưa, bào tử xếp đều đặn còn Drynaria bonii Christ có mép lá lượn sóng, bào tử sắp xếp không đều.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây mọc hoang ở dọc suối, núi đá và trên những thân cây gỗ, những nơi có tiết trời ẩm thấp quanh năm. Ở nước ta Tắc kè đá tập trung nhiều ở các vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, Đồng Nai, An Giang, Quảng Trị và Lâm Đồng. Ngoài ra cây Tắc kè đá cũng mọc nhiều ở Miền Trung và Miền Bắc nước Lào và Campuchia.

Tắc kè đá 2Cây Tắc kè đá với những bào tử ở mặt dưới lá

Thu hái thân rễ Tắc kè đá gần như quanh năm. Nhưng thời điểm thu hái tốt nhất là vào tháng 4 – 9 hằng năm.

Sau khi thu hoạch những thân rễ củ già, chọn lựa những củ có chất lượng tốt đem cạo bỏ lông, loại bỏ hết lá, sau đó thái phiến nhỏ và đem phơi khô. Khi dùng đem đốt nhẹ cho cháy hết lông phủ bên ngoài, đem thân rễ ủ cho mềm rồi tiếp tục tẩm mật và sao vàng tùy từng loại bệnh. Có thể dùng đơn độc hay kết hợp với các vị thuốc khác hợp thành bài thuốc.

Bộ phận sử dụng

Thân rễ của cây tắc kè đá (Tên dược liệu là Rhizoma Drynariae Bonii) – được thu hoạch để làm thuốc.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo lý luận YHCT Tắc đá đã là một vị thuốc được biết đến rộng rãi trong hệ thống dược liệu Y học Cổ truyền từ xưa.

Vị thuốc này có vị đắng, tính ấm. Quy kinh Can, Thận.

Tác dụng: bổ thận, mạnh gân xương, hành huyết, phá huyết ứ, cầm máu, khu phong thấp, sát trùng, giảm đau.

Chủ trị: Dùng chữa thận hư (suy giảm chức năng nội tiết), ỉa chảy kéo dài, đòn ngã chấn thương, bong gân, tụ máu, sai khớp, gãy xương, phong thấp đau nhức xương, sưng đau khớp, ù tai và đau răng, chảy máu chân răng.

Theo y học hiện đại

Hàng loạt các công trình nghiên cứu về thành phần hoạt chất cũng như tác dụng của chúng từ dịch chiết của cây Tắc kè đá trong quá trình điều trị bệnh. Nhiều bằng chứng chỉ ra tác dụng của Tắc kè đá như sau:

  • Điều hòa lipid máu: Các hoạt tính sinh học của hợp chất flavonoid có trong cốt toái bổ giúp điều hòa lipid máu. Các hoạt tính sinh học của hợp chất flavonoid có trong cốt toái bổ giúp điều hòa lipid máu. Naringnin có trong thân rễ cốt toái bổ có tác dụng làm giảm mức cholesterol LDL-C (một loại chất béo xấu) và triglyceride trong huyết tương cũng như ức chế hấp thu glucose. Mặt khác, nó cũng làm tăng lipoprotein cholesterol HDL-C (một loại chất béo tốt) và điều hòa quá trình giảm các gen liên quan đến xơ vữa động mạch.
  • Dược liệu có tác dụng an thần, giảm đau, kháng viêm: Các hợp chất flavonoid là thành phần hoạt động chính của cốt toái bổ có các hoạt tính sinh học giúp chống viêm và giảm đau. Flavonoid còn giúp điều chỉnh hoạt động của tế bào và chống lại các gốc tự do gây ra stress oxy hóa trên cơ thể. Nói một cách đơn giản, chúng giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ cơ thể chống lại các chất độc và tác nhân gây căng thẳng hàng ngày.
  • Tăng khả năng sống của tế bào xương, tăng sinh, tăng biết hóa, chống hủy xương: Các flavonoid có trong cốt toái bổ là một trong những hoạt chất chịu trách nhiệm cho các hoạt động bảo vệ xương. Tăng khả năng hấp thu phốt pho và canxi có tác dụng hình thành xương cũng như quá trình liền xương cục bộ.
  • Diệt khuẩn răng miệng: Nghiên cứu hoạt động chloroform trong cốt toái bổ giúp đánh giá tác dụng kháng khuẩn của phân đoạn chloroform với kháng sinh chống lại mầm bệnh do vi khuẩn gây ra. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy, Cloroform từ cốt toái bổ kết hợp với ampicillin hoặc gentamicin đã tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn được thử nghiệm trong vòng 3 – 4 giờ. Hoạt tính cao nhất có thể chống lại mầm bệnh nha chu Prevotella intermedia và Porphylomonas gingivalis.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng nói chung của Tắc kè đá là 3 – 9 g. Hay dùng 6 – 12g thân rễ khô, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài, lấy thân rễ tươi giã nát đắp lên vết thương, chỗ sưng đau hoặc dùng dược liệu khô sao cháy, tán bột rắc.

Ngoài ra Tắc kè đá còn dùng ở dạng chích mật hay sao vàng tùy mục đích sử dụng.

Tắc kè đá có thể được dùng đơn độc điều trị bệnh, cũng có thể dùng phối hợp với những vị thuốc khác.

Tắc kè đá 4Tắc kè đá thái phiến phơi khô có tác dụng điều trị các bệnh xương khớp

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng Tắc kè đá:

  • Người âm hư huyết hư không nên dùng bài thuốc từ tắc kè đá.
  • Thận trọng khi sử dụng dược liệu cho các trường hợp ứ máu và thiếu âm kèm nội nhiệt.
  • Ngoài ra, thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Nên liệt kê các loại thuốc đang dùng và tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn để tránh tương tác thuốc.
  • Không dùng thuốc trong trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.
  • Nên thông báo cho bác sĩ hoặc những người có chuyên môn khi thấy phản ứng bất thường như: ngứa da, khó thở, nặng ngực, tiêu chảy, tụt huyết áp,…
  • Nếu kết hợp dùng thuốc nên dùng cách nhau (giữa thuốc sắc từ dược liệu với thuốc tân dược) khoảng 1-2 tiếng.
  • Bảo quản thuốc nơi khô ráo thoáng mát tránh mối, mọt, ẩm mốc.

Để đảm bảo tác dụng điều trị của Tắc kè đá, bạn cần thận trọng khi chọn mua dược liệu. Sử dụng dược liệu kém chất lượng có thể làm gián đoạn quá trình chữa trị và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một trong số đó là Ráng bay (Drynaria quercifolia (L.) J. Sm.) cũng được thu hái làm thuốc có cùng tên “cốt toái bổ”.

Bên cạnh đó, cần chủ động tham vấn bác sĩ y khoa để được hướng dẫn cụ thể về liều lượng thuốc cũng như bài thuốc thích hợp với tình trạng bệnh lý của riêng bạn.