Tổng quan về cây chó đẻ răng cưa
Cây chó đẻ còn gọi là chó đẻ răng cưa, mọc rải rác ở khắp mọi nơi, trừ vùng núi cao, có khí hậu lạnh. Cây chó đẻ chứa chất đắng, ancaloit, flavonoit, tannin, phenol, tritecper, a-xit hữu cơ và nhiều thành phần khác. Người ta sử dụng toàn cây chó đẻ, chỉ bỏ phần rễ, rửa sạch dùng tươi hoặc khô để làm thuốc chữa bệnh.
Tác dụng của cây chó đẻ răng cưa
Theo y học cổ truyền, cây chó đẻ vị hơi đắng, tính mát, tác dụng tiêu độc, sát trùng, tiêu viêm, tán ứ, thông huyết mạch, lợi tiểu.
Cây chó đẻ được dùng chữa đau và viêm hang, đinh râu, mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sản hậu ứ huyết, đau bụng, trẻ em bị tưa lưỡi, chàm má… đặc biệt, loài cây này còn tác dụng chữa viêm gan.
Tác dụng của cây chó đẻ răng cưa
Nhân dân ta rất hay dùng cây chó đẻ răng cưa làm thuốc, giã nát với muối chữa đinh râu, mụn nhọt và dùng chữa bệnh gan, chữa sốt, đau mắt, rắn cắn.
Ngày uống 20-40g cây tươi, sao khô sắc đặc, uống. Dùng ngoài không có liều lượng.
Dưới đây là một số bài thuốc từ cây chó đẻ răng cưa do TTƯT.TS. Nguyễn Đức Quang, Viện Y học cổ truyền Quân đội trả lời trên Báo Sức khỏe & Đời sống.
Thuốc tiêu độc
Bài 1: Diệp hạ châu 1 nắm, giã hoặc xay nát với ít muối, ép nước uống, bã đắp vào chỗ đau. Chữa nhọt độc sưng đau.
Bài 2: Lá chó đẻ, lá thồm lồm liều lượng bằng nhau; đinh hương 1 nụ. Tất cả giã nát, đắp chỗ đau. Chữa lở loét không liền miệng.
Thanh can, lợi mật
Bài 1: Diệp hạ châu 24g, nhân trần 12g, chi tử 8g, sài hồ 12g, hạ khô thảo 12g. Sắc uống; uống liên tục 3 tháng. Trị viêm gan virus B.
Bài 2: Diệp hạ châu 30g, mã đề thảo 20g, chi tử 12g. Sắc uống. Chữa viêm gan vàng da, viêm ruột tiêu chảy.
Bài 3: Diệp hạ châu 16g, bồ bồ 16g, vỏ bưởi khô 5g, hậu phác 8g; thổ phục linh, tích huyết thảo, chi tử, rễ đinh lăng mỗi vị 12g; vỏ cây đại 8g. Sắc uống. Chữa viêm gan virus.
Thông huyết, hoạt huyết
Bài 1: Lá chó đẻ, mần tưới mỗi thứ 1 nắm, có thể thêm bột đại hoàng 8g. Tất cả giã nhỏ, thêm đồng tiện, vắt lấy nước uống; bã đắp. Chữa vết thương ứ máu.
Bài 2: Lá chó đẻ 1 nắm, giã nhỏ, thêm ít vôi tôi, đắp lên vết thương khi bị thương, bị chảy máu.
Chữa sốt rét
Bài 1: Cây chó đẻ 8g, dạ giao đằng 10g, thường sơn 12g, thảo quả 10g, lá mãng cầu tươi, dây gân 10g, dây cóc 4g, binh lang 4g, ô mai 4g. Sắc uống trước khi lên cơn 2 giờ. Chữa sốt rét.
Bài 2: Diệp hạ châu 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống hàng ngày. Chữa suy gan, sốt rét, nhiễm độc nổi mẩn mụn do nhiệt.
Bài 3: Cây chó đẻ 10g, cỏ nhọ nồi 20g, xuyên tâm liên 10g. Các vị tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 – 5g. Chữa sốt rét.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng.
Trên đây là những tác dụng của cây chó đẻ răng cưa. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, nếu bạn muốn sử dụng cây chó đẻ răng cưa thì cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng.
3. Cách dùng cây chó đẻ răng cưa hỗ trợ trị gan nhiễm mỡ
Để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ, cây chó đẻ răng cưa có thể được dùng tươi hoặc phơi khô.
Cây tươi sau khi thu hái về, rửa sạch, cắt thành từng đoạn ngắn cho vào đun sôi với nước trong 5 – 10 phút sau đó chắt lấy nước uống thay nước lọc, ngày 2 – 3 lần sau bữa ăn. Khi uống có thể thêm chút đường hoặc chút muối để dễ uống.
– Đối với cây đã phơi khô, khi dùng bốc một nắm cho vào ấm, hãm như hãm trà và uống trong ngày.
Chó đẻ răng cưa cũng có thể được dùng kết hợp với nhân trần và vọng cách. Lấy 10g cây chó đẻ khô, 10g nhân trần, 10g vọng cách cho vào ấm cùng với 500ml nước, đun cho tới khi còn 200ml nước, chia nước thuốc thành 2 phần, uống hết trong ngày.
Lưu ý: Cây chó đẻ răng cưa tuy cho thấy hiệu quả tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ nhưng việc sử dụng thuốc không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Cây có tính hàn, khi dùng lâu ngày làm hao tổn dương khí, gây ra các biểu hiện mệt mỏi, xanh xao, tinh thần uể oải, dễ choáng, hoa mắt, thiếu tập trung khả năng tư duy giảm sút…