Cây Mật nhân: Dược liệu chữa “bách bệnh”

Cây Mật nhân: Dược liệu chữa “bách bệnh”

Mật nhân hay còn gọi là Bách bệnh là dược liệu chữa trị được nhiều bệnh (bách nghĩa là một trăm). Đây là dược liệu dùng khi cơ thể yếu mệt, thiếu máu, ăn uống kém, khó tiêu, các bệnh tả, lỵ, các trường hợp sinh dục yếu, dương suy, tảo tiết hoặc cảm mạo, phát sốt, sốt rét, giải độc rượu, tẩy giun.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Mật nhân

Tên khác: Mật nhơn; cây bá bệnh; cây bách bệnh

Tên khoa học: Eurycoma longifolia Jack. Đây là một loài thực vật thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Mật nhân là một loài thân gỗ nhỏ, cao từ 2 – 8 m, ít phân cành. Lá kép lông chim lẻ, mọc cách. Mỗi lá kép mang từ 21 – 25 lá chét với cuống lá rất ngắn, mọc đối nhau trên cuống lá chính. Phiến lá chét hình bầu dục hoặc hình mác, gốc thuôn đầu nhọn, mặt trên màu xanh đậm và bóng, mặt dưới màu trắng xám, có lông. Cuống chính màu nâu đỏ. Cụm hoa dạng chùm kép mọc ở ngọn cành. 5 lá đài hình tam giác có tuyến ở mặt ngoài. 5 cánh hoa hình thoi cũng có tuyến, màu đỏ nâu. 5 nhị có lông dày và có vảy ở gốc chỉ nhị. Bầu cấu tạo từ 5 lá noãn. Quả hạch, hình trứng, có rãnh dọc, khi chín màu vàng đỏ, đựng 1 hạt.

Cây ra hoa vào tháng 1 đến tháng 2, sau đó cho quả vào khoảng tháng 3 đến tháng 4.

Cây mật nhân trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Trong nước, loài này được tìm thấy ở khắp các tỉnh thành nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Mật nhân cũng phân bố ở một số nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia.

Người ta thu hái vỏ thân và vỏ rễ đem phơi hoặc sấy khô để dùng làm thuốc.

Thân và rễ cây mật nhân được dùng làm thuốc

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng được của Mật nhân là vỏ thân và vỏ rễ (Cortex Eurycomae longifoliae).

Thành phần hoá học

Trong vỏ thân và vỏ rễ mật nhân có chứa quasin, một chất đắng (C22H30O6), hydroxyceton, beta-sitosterol, campesterol, eurycomalacton, 2,6-dimethoxybenzoquinon. Hạt chứa dầu béo có màu vàng nhạt.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Bách bệnh có vị đắng, tính ôn, quy kinh thận, tỳ, vị.

Dược liệu có tác dụng bổ khí huyết, ôn tỳ thận. Chủ trị trong các trường hợp:

  • Khí huyết lưỡng hư, cơ thể yếu mệt, thiếu máu, ăn uống kém, khó tiêu, các bệnh tả, lỵ, các trường hợp sinh dục yếu, dương suy, tảo tiết.
  • Chữa cảm mạo, phát sốt, sốt rét, giải độc rượu, tẩy giun.
  • Ở Campuchia, quả dùng chữa lỵ, rễ dùng trong trường hợp bị ngộ độc rượu hoặc say rượu, xổ giun.
  • Dùng lá tắm để trị ghẻ lở.
  • Ở Indonesia, dân gian sử dụng nước sắc của lá hoặc vỏ thân Mật nhân để trị sốt rét. Đây còn được coi là vị thuốc cổ truyền có tác dụng trị sốt rét tốt nhất. Nước sắc của lá có thể làm giảm các cơn đau lưng, đau bụng, nhiễm khuẩn đường tiểu và những bệnh về khớp.

mật nhân còn được gọi là cây bạch bệnhMật nhân có được ví như loại cây chữa bách bệnh

Theo y học hiện đại

Trong nghiên cứu in vitro, cao chiết từ Mật nhân cho thấy có tác dụng kháng ký sinh trùng sốt rét.

Mật nhân có tác dụng kích thích sinh dục nam và làm tăng hormone sinh dục nam trong huyết thanh. Cả thân và rễ đều có tác dụng tăng testosterone ở huyết thanh động vật thử nghiệm nhưng rễ làm tăng nhiều hơn.

Chế phẩm thuốc chứa Mật nhân, Trâm bầu và Xấu hổ có độc tính cấp diễn và trường diễn rất thấp. Khi được khảo sát trên chuột lang, thuốc cho thấy tác dụng lợi mật rõ rệt mà lại không làm thay đổi thành phần của mật. Thuốc này cũng làm chậm quá trình tổn thương ở gan chuột cống trắng (do carbon tetrachlorid) và làm tăng tái tạo tế bào gan chuột nhắt trắng trong mô hình gây tổn thương gan thực nghiệm.

Liều dùng & cách dùng

Phơi khô vỏ rồi tán bột ngâm rượu hay làm thành viên uống. Mỗi ngày dùng từ 6 – 12g.

Bài thuốc kinh nghiệm

Ôn kinh trợ dương điều khí thang, chữa bại liệt nửa người bên phải, do dương khí suy, phong tê, mình lạnh tê dại

Bách bệnh 4g, rễ Đinh lăng 10g, Xấu hổ sao 8g, Dây đau xương 8g, Dậu chiều sao 8g, Thần sa 6g, Bạch hồ tiêu 5g, Quế chi 5g, Gừng sống 3g. Sắc nước uống.

Tư bổ âm huyết thang, chữa âm huyết suy kém, liệt nửa người bên phải, nóng đau

Sắc nước uống thang thuốc như sau: Mật nhân 6 g, Đậu đen 12g, Hà thủ ô đỏ 20g, Dây ký ninh 2g; Dây gùi, Huyết rồng, Muống biển, Nhàu (rễ), Ô môi (rễ), Cỏ xước rễ, Tang chi mỗi thứ 8g.

Chữa ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng

Mật nhân, Sả, Củ gấu, Tiêu lốt (mỗi thứ 50g); vỏ Quýt, Hoắc hương, củ Bồ bồ, dây Mơ, dây Rơm, Cam thảo nam, Hậu phác (mỗi thứ 100 g). Tán nhỏ toàn bộ, chia lượng đồng đều, mỗi ngày dùng 12g đối với người lớn, trẻ em thì điều chỉnh liều tùy theo tuổi.

Lưu ý

Phụ nữ có thai không được dùng.

Nguồn tham khảo

  1. Cây thuốc và động vật làm thuốc – Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn.
  2. Dược điển Việt Nam 5.
  3. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.

 

Các sản phẩm có thành phần Mật nhân

  1. Viên uống Bổ gan Tâm Bình tăng cường chức năng gan, thanh nhiệt, giải độc (60 viên)

     

  2. Thuốc Arginin Forte Marksans Stella điều trị viêm gan, xơ gan (10 ống)