Tìm hiểu chung
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt:
Lá hen
Tên khác:
Cây bồng bồng; nam tỳ bà; cây bàng biển…
Tên khoa học:
Calotropis gigantea R. Br.
Đặc điểm tự nhiên
Cây nhỏ, cao 2 – 3m. Thân đứng, phân nhiều cành. Vỏ thân khía rãnh có màu vàng nhạt lúc non, khi vỏ già sẽ có màu xám trắng. Cành được phủ một lớp lông mượt dạng phấn màu trắng.
Lá mọc đối mép nguyên,có phiến đáy. Cuống hầu như rất ngắn gần như không có cuống. Ở gốc lá hình tim, hai mặt có màu xám lục, mặt trên có tuyến và một hàng lông màu nâu, còn mặt dưới có lông trắng như phấn.
Cụm hoa màu trắng, mọc đầu cành thành xim và ở kẽ lá gồm nhiều tán; đài 5. Thùy có dạng hình trứng, bề mặt ngoài có lông; còn tràng hợp thành hình xe. Thùy có dạng hình mũi mác có chỉ nhị dính liền nhau tạo thành một ống che chắn cho nhụy.
Quả hình giáo, dần thuôn nhọn về phía đầu, gồm hai đại, chứa các hạt có mào lông. Toàn thân có nhựa mủ.
Mùa hoa quả: Tháng 5 – 8.
Cụm hoa màu trắng, mc đầu cành thành xim và ở kẽ lá gồm nhiều tán
Phân bố, thu hái, chế biến
Ở nước ta, cây mọc hoang ngoài tự nhiên và nhiều nơi thường được trồng để làm hàng rào bảo vệ xung quanh nhà hoặc thường hái lá dùng làm thuốc. Lá có thể hái suốt quanh năm. Sau khi lấy về sơ chế bằng cách lau hết lông bằng vải sạch, phơi hoặc sấy khô cất dùng dần.
Bộ phận sử dụng
Thường dùng lá, có khi sử dụng toàn cây.
Thành phần hoá học
Trong lá có calotropin, thuỷ phân cho calotropagenin.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Dân gian dùng lá hen để chữa bệnh hen.
Ngoài ra, lá hen còn được dùng toàn cây để chữa các bệnh về da, thấp khớp, hủi, giang mai, các bệnh về đường tiêu hóa như kiết lỵ, tiêu chảy…
Theo Đông y, cao lá hen có tác dụng kháng viêm, giáng nghịch, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho.
Dân gian ta thường dùng cây bông bông để chữa bệnh hen
Theo y học hiện đại
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thuần (Phó giám đốc học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Viện trưởng viện nghiên cứu Y dược Tuệ Tĩnh) các công dụng của lá Hen đã được nghiên cứu như sau: Hỗ trợ điều trị hen suyễn, bệnh hô hấp mạn tính, kháng khuẩn, tác dụng giảm đau, chống viêm, chống co giật, trị tiêu chảy, chống oxy hóa, bảo vệ gan, làm lành vết thương…
Ngoài ra, nghiên cứu về công dụng lá Hen trong bệnh hô hấp mạn tính (Hen Suyễn, Viêm phế quản mạn, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD) gồm: Tác dụng kháng viêm, chống oxi hóa, kháng Histamin. Kết quả lá hen giúp giảm đờm, giảm ho, giảm khó thở, giảm tần suất các đợt cấp của bệnh hen và viêm phế quản mạn, COPD.
Theo Thông báo dược liệu 21, .1974, Lê Hà Lệ Xuân đã nghiên cứu tác dụng của cao rượu bông bông trên 300 súc vật để dẫn tới những kết luận như sau:
- Chế phẩm của bông bông có những tác dụng của một glucozit trị tim điển hình. Chế phẩm bông bông thuộc nhóm glucozit chữa tim tích lũy ít sau 24 giờ, ít hơn digitoxin 5,3 lần, ít hơn strophantin G 2 lần, ít hơn Strophantin K và D 3 lần.
- So với những glucozit trị bệnh tim đã biết thì chế phẩm bông bông tương đối ít độc và có khoảng cách an toàn rộng hơn.
- Nghiên cứu trên hệ huyết áp của mèo và thỏ, chế phẩm bông bông với liều điều trị có tác dụng tăng lực tâm thu, đồng thời kéo dài thời gian tâm trương, làm giảm nhịp tim. Với liều gây độc, do hệ thần kinh phó giao cảm bị kích thích nên xuất hiện hàng loạt các triệu chứng như hạ huyết áp dần, nôn.
Liều dùng & cách dùng
Cách dùng như sau: Lá hen hái mang về, làm sạch lông bằng khăn ướt. Sau đó thái nhỏ lá hen rồi sao qua cho héo dần. Hằng ngày lấy khoảng 10 lá đem sắc với khoảng 1 bát rưỡi nước đến khi cô đặc còn 1 bát. Có thể thêm vào ít đường cho dễ uống, chia ra tầm 3 – 4 lần trong một ngày. Hiệu quả thuốc mang lại nhanh nhất sau 10 phút, thường thấy sau khoảng 2 – 3 ngày, thậm chí có thể là sau 7 – 8 ngày (Phan Như Thế).
Lá hen mang về làm sạch lông, thái nhỏ lá hen rồi sao qua cho héo dần
Bài thuốc kinh nghiệm
Chưa tìm thấy thông tin.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc có lá hen:
- Nước sắc có vị hơi đắng, mùi tanh, thận trọng khi uống nhiều cùng một lúc dễ gây buồn nôn. Vì vậy tốt nhất nên uống xa với thời gian bữa ăn tránh tình trạng nôn.
- Lưu ý thuốc có thể gặp tác dụng phụ gây mỏi tay chân mặc dù rất hiếm.
Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng lá hen có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Bạn đọc trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, tuyệt đối không nên tự tiên sử dụng một cách vô tội vạ. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Post Views: 761