Bát giác liên: Dược liệu có nhiều công dụng chữa bệnh
Bát giác liên là một cây thuốc cổ truyền thuộc diện quý hiếm ở Việt Nam. Cây mọc rất rải rác dưới tán rừng, bên khe suối, hốc đá, có nhiều công dụng chữa bệnh.
Tìm hiểu chung
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Bát giác liên.
Tên gọi khác: Độc diệp nhất chi hoa, độc cước liên, pha mỏ.
Tên khoa học: Dysosma tonkinense (Gagnep.) M.Hiroe. Họ: Hoàng mộc (Berberidaceae). Chi: Bát giác liên (Dysosma Woodson.), đây là một chi nhỏ gồm 7 đến 10 loài cây thân thảo sống lâu năm.
Đặc điểm tự nhiên
Bát giác liên là cây cỏ nhỏ sống lâu năm do thân rễ, có chiều cao trung bình từ 30- 50cm.
Rễ
Bát giác liên là cây hai lá mầm nhưng có kiểu rễ chùm gồm nhiều rễ nhỏ hình sợi mọc từ thân rễ. Rễ cây phát triển thành củ mẫm, chứa nhiều tinh bột nên có màu trắng.
Rễ cây có đường kính 1,5-2,5mm, dài 30cm – 70 cm (tối đa lên tới 80cm). Bề mặt ngoài của rễ có nhiều lông rễ, màu vàng chanh sau đó chuyển sang màu nâu nhạt.
Về vi thể, mặt cắt ngang rễ Bát giác liên có hình tròn, biểu bì gồm một lớp tế bào đa giác hay h́ình gần tṛòn, được xếp tương đối đều đặn. Có các lớp mô mềm ở dưới các lớp biểu bì gồm các tế bào tròn có thành mỏng.
Thân rễ
Thân rễ Bát giác liên có hình trụ, mập, dạng chuỗi; màu vàng nâu, kích thước từ 2 – 4 cm. Trên thân rễ có những vết sẹo có khả năng phát triển thành một nhánh mới.
Về vi thể, các lát cắt của thân rễ hình tròn, cấu tạo từ ngoài vào trong bao gồm:lớp bần, mô mềm vỏ, các bó libe-gỗ. trong đó, lớp bần gồm 2-3 hàng tế bào hình đa giác. Các mô mềm vỏ cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, xếp lộn xộn. Các bó libe-gỗ kích thước khá đều nhau, trên mỗi bó libe-gỗ có đính 2 cụm tế bào mô cứng, 1 cụm nằm sát libe, 1 cụm nằm sát gỗ.
Lá
Lá Bát giác liên có hình dạng rất đa dạng từ dạng bầu dục không chia thùy cho đến dạng đa giác với nhiều thùy nông, từ 4 đến 9 cạnh nhưng phổ biến là 6 đến 8 cạnh. Đường kính lá khoảng 12 – 25 cm, mép lá có răng cưa nhỏ, khi non có vân.
Hoa
Hoa có màu đen trong chứa nhiều hạt, mọc đơn độc hay từng 4-12 trên 1 cuốn, có, hình trứng, đường kính khoảng 12mm. Hoa thường nở vào tháng 3 đến tháng 5.
Bát giác liên
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố
Bát giác liên là cây thuốc có nhiều công dụng cho sức khỏe, khả năng tái sinh kém, nhưng đang bị khai thác quá mức nên rất quý hiếm.
Bát giác liên có phân bố ở Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây bát giác liên mọc nhiều ở những vùng núi cao, rừng ẩm như ở các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu.
Thu hái và chế biến
Rễ bát giác liên được thu hái vào mùa thu, đông, lá được hái vào mùa xuân, trước khi cây ra hoa, dùng tươi hay phơi khô để dùng dần. Người ta thường thu hái củ vào mùa thu đông, rửa sạch đất cát, dùng tươi hoặc đem phơi/ sấy khô.
Bát giác liên có tỷ lệ đậu quả rất thấp trong tự nhiên cũng như trong điều kiện trồng trọt nên việc sử dụng hạt làm vật liệu nhân giống là rất khó khăn; tuy vậy Bát giác liên có thể nhân giống bằng thân rễ. Do đó, Bát giác liên đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam với mức phân hạng “nguy cấp”, nên cần được nghiên cứu nhân giống và bảo tồn.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận dùng: Thân rễ – Rhizoma Dysosmae Versipellis; thường gọi là Quỷ cừu.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Tính vị, quy kinh
Bát giác liên có vị đắng, cay, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hóa đờm.
Công năng, chủ trị
Rễ khô và thân rễ của Bát giác liên đã được sử dụng trong y học dân gian để điều trị rắn độc cắn, loét và ung thư. Trong y học cổ truyền, bát giác liên được dùng chữa ho, hen, lao, nôn ra máu, viêm họng, đau dạ dày, mụn nhọt, áp xe. Dùng ngoài, cây tươi giã nát đắp tại chỗ hoặc rễ mài lấy nước nôi.
Bát giác liên chữa mụn nhọn
Theo y học hiện đại
Chiết xuất bát giác liên có tác dụng chữa bệnh tiêu chảy, nôn ói. Chất podophyllotoxin từ Bát giác liên thí nghiệm trên mô hình chuột gây ung thư thực nghiệm có tác dụng ức chế tế bào ung thư bạch cầu cấp tính, tế bào adenocareinoma và tế bào inelanoma.
Các hoạt chất quercetin và kaempferol trong dịch chiết bát giác liên có tác dụng giảm ho, lợi đờm trong viêm phế quản mạn tính.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng và cách dùng của Bát giác liên còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Nếu dùng ngoài không kể liều lượng.
Lưu ý
Đối với phụ nữ có mang không được dùng Bát giác liên.
Nguồn tham khảo
- Mô tả loài cây thuốc Dysosma Tonkinense (GAGNEP) M. HIROE (BERBERIDACEAE) dựa trên các đặc điểm hình thái và phân tích vùng gen ITS
- Đặc điểm hình thái, giải phẫu và khả năng nhân giống cây bát giác liên.
- Dysosma tonkinense (Gagnep.) M.Hiroe: http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2021/12/tap-chi-so-2.3.2021.pdf
- Công dụng cây bát giác liên: https://www.vinmec.com/vi/y-hoc-co-truyen/duoc-lieu/cong-dung-cay-bat-giac-lien/
- Vị thuốc Bát giác liên: https://bvnguyentriphuong.com.vn/y-hoc-co-truyen/vi-thuoc-bat-giac-lien