Lá dâu tằm ăn sống được không? Tác dụng phụ cần lưu ý là gì?
Quả dâu tằm được chế biến thành nhiều món ăn, thức uống giải khát vào mùa hè. Vậy lá dâu tằm ăn sống được không?
Lá dâu tằm ăn sống được không? Hay chỉ có quả dâu tằm mới ăn được? Và liệu ngoài công dụng là một loại thực phẩm thì lá dâu tằm còn có công dụng gì trong y học hay không? Theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn về vấn đề trên.
Cây dâu tằm
Từ thời xa xưa, dâu tằm được tìm thấy và phát hiện ở Trung Quốc. Chúng được sử dụng để sản xuất giấy, nuôi tằm, làm thực phẩm và dùng để chữa bệnh. Cây dâu tằm mọc nhiều ở vùng nhiệt đới và tập trung phát triển vào mùa hè ở vùng ôn đới.
Theo nhiều nghiên cứu, mọi bộ phận của cây dâu tằm đều có thể sử dụng. Từ vỏ cây, rễ cây, quả dâu tằm, lá dâu tằm đến cành non hay tầm gửi mọc trên cây đều có thể làm thực phẩm hoặc làm thuốc chữa bệnh.
Mọi bộ phận của cây dâu tằm đều có thể sử dụng
Lá dâu tằm ăn sống được không? Cách dùng như thế nào là đúng?
Lá dâu tằm (tang diệp) được nghiên cứu cho thấy có giá trị dinh dưỡng cao. Chúng chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa như polyphenol, vitamin C, các khoáng chất khác như kẽm, canxi, sắt, kali,…
Tuy nhiên lá và các bộ phận khác của cây có chứa nhựa mủ màu trắng, độc tính nhẹ, nếu ăn sống hoặc chạm phải thì có thể sẽ gặp các triệu chứng như đau bụng, kích ứng da. Nhưng vẫn còn một vài người không bị sao khi ăn lá dâu tằm và họ cho biết lá dâu có hương vị khá ngon.
Vậy nên, lời khuyên từ các chuyên gia tây y và đông y là không nên ăn sống lá dâu tằm mà hãy chế biến trước để đảm bảo an toàn.
Lá dâu tằm có ăn sống được không?
Chúng ta có thể chế biến lá dâu tằm chung thành nhiều món ăn khác nhau như canh hến lá dâu hoặc lá dâu xào trứng. Ngoài ra nước dâu tằm cũng là một loại thức uống khá được săn đón vào mùa hè, những ngày nóng oi ả vì tính chất thanh mát, giải nhiệt.
Lợi ích sức khỏe có được khi ăn lá dâu tằm là gì?
Từ khá lâu, lá dâu tằm được dùng như một loại thuốc trong y học cổ truyền. Nhờ vào các thành phần có trong lá dâu tằm mà chúng có khá nhiều lợi ích:
- Kiểm soát nồng độ insulin và giảm lượng đường trong máu: Lá dâu tằm chứa 1 – deoxynojirimycin (DNJ) ngăn chặn cơ thể hấp thụ carbohydrate (một chất tạo ra đường glucose) ở ruột của chúng ta.
- Hỗ trợ tăng cường hệ tim mạch: Các chiết xuất từ lá dâu tằm giúp tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách giảm nồng độ cholesterol, giảm huyết áp và ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch.
Lá dâu tằm có ích cho hệ tim mạch
- Giúp giảm viêm: Một số nghiên cứu đã chỉ ra lá dâu tằm chứa nhiều hợp chất giúp giảm viêm và chất flavonoid có tác dụng ngăn ngừa quá trình oxy hóa.
- Phòng ngừa các triệu chứng của bệnh cảm lạnh: Trong đông y, lá dâu tằm có tính hàn, giúp hạ sốt, nhuận phổi, hỗ trợ điều trị cảm cúm.
- Trong thành phần chứa nhiều khoáng chất có lợi: Lá dâu tằm chứa nhiều khoáng chất như magie, kẽm, canxi, sắt, kali,… hỗ trợ thần kinh, cơ bắp, giúp xương chắc khỏe,… Ngoài ra lá dâu tằm chứa nhiều vitamin C, B2 giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu tình trạng thiếu máu.
Các lợi ích tiềm ẩn khác có thể bạn chưa biết
Ngoài các lợi ích được nêu trên thì lá dâu tằm còn có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe khác vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu như:
- Làm đẹp da: Hoạt chất α-hydroxy axit có trong lá dâu tằm là nguyên liệu giúp điều trị nám, tàn nhang, làm sáng màu da tự nhiên.
- Giúp giảm cân: Các cuộc thử nghiệm trên loài gặm nhấm đã cho thấy rằng lá dâu tằm thúc đẩy quá trình đốt cháy chất béo và giảm cân.
Lá dâu tằm thúc đẩy quá trình đốt cháy chất béo và hỗ trợ giảm cân
- Ngăn ngừa ung thư: Hiện tại chỉ mới có một số nghiên cứu trong ống nghiệm về khả năng chống ung thư của lá dâu tằm nhưng đã có những kết quả khả quan.
- Bảo vệ gan: Khả năng các chiết xuất từ lá dâu tằm có thể bảo vệ tế bào gan và giảm nguy cơ bị viêm gan chỉ mới được thử nghiệm trong ống nghiệm và trên cơ thể động vật.
Tác dụng phụ cần lưu ý khi ăn lá dâu tằm
Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy lá dâu tằm là an toàn khi sử dụng và chế biến. Nhưng vì lá dâu tằm có chứa mủ cây dâu tằm và nhiều hoạt chất khác nên có thể một số người sẽ gặp phải tác dụng phụ khi ăn lá dâu tằm. Một số tác dụng phụ có thể gặp như tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu và táo bón,…
Ngoài ra, các bệnh nhân tiểu đường nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng lá dâu tằm hoặc các sản phẩm từ lá dâu tằm dù nó có tác dụng giảm lượng đường trong máu.
Trẻ nhỏ và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú là những đối tượng nên tránh dùng lá dâu tằm để đảm bảo an toàn do hiện tại vẫn chưa có đủ nghiên cứu chứng minh lá dâu tằm là an toàn khi sử dụng trong thời gian dài.
Hy vọng qua bài viết trên các bạn đã biết được câu trả lời liệu lá dâu tằm ăn sống được không và sẽ cẩn trọng hơn trước khi quyết định có nên thêm lá dâu tằm vào thực đơn của mình. Mặc dù lá dâu tằm có rất nhiều tác dụng tốt nhưng chúng ta vẫn nên hỏi qua ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ trước khi kết hợp với các loại thuốc khác.