Mẹ thủ khoa khối D01: Tôi phải rút wifi, dập cầu dao vì con ôn bài quá khuya

0
2739

Để đạt thành tích thủ khoa khối D01 toàn quốc, Phạm Thị Vân Anh có được sự ủng hộ, khích lệ lớn từ gia đình.

Mẹ thủ khoa khối D01: Tôi rút wifi, dập cầu dao nếu con ôn bài quá khuyaPhạm Thị Vân Anh là học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phạm Thị Vân Anh là thủ khoa toàn quốc khối D01 trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Nữ sinh đạt thành tích: Toán 9,6 điểm, tiếng Anh 9,8, Văn 9,5. Trong đó, điểm thi theo tổ hợp môn A01 (Toán, Lý, Anh) và D01 (Toán, Văn, Anh) của Vân Anh đều đạt 28,9 điểm.

Vân Anh sinh ra ở vùng quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Gia đình em có 4 người, bố là bộ đội, mẹ là giáo viên cấp 2 và em trai đang học cấp 1.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, cô Viên – mẹ của Vân Anh – cho biết, gia đình vô cùng hạnh phúc và tự hào khi biết tin em là thủ khoa toàn quốc.

“Về Vân Anh, tôi nhận thấy con rất bản lĩnh. Từ lớp 1 cho tới lớp 12, cho dù hôm nay con vấp ngã, nhưng khi bố mẹ thầy cô động viên cổ vũ, con sẽ đứng lên và không để mình thụt lùi. Con luôn tự giác, luôn tự lực cánh sinh”, cô Viên nhận xét về tính cách của Vân Anh.
Phạm Thị Vân Anh theo học khối tự nhiên nhưng vẫn có thành tích tốt môn Văn. Ảnh: Nhân vật cung cấpPhạm Thị Vân Anh theo học khối tự nhiên nhưng vẫn có thành tích tốt môn Văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Do bố Vân Anh là bộ đội, thường xuyên công tác trong đơn vị nên mẹ là người đồng hành với em trong quá trình học tập, thi cử.

Mẹ nữ sinh kể lại, khi em đi thi Học sinh giỏi Toán cấp thành phố lớp 12, trong đề thi có 10 bài thì 6 bài em giải theo cách khác với đáp án, nhưng vẫn chính xác.

Khi ra khỏi phòng thi, Vân Anh ôm mẹ khóc và nói đã làm được hết bài. Sau khi kết quả được công bố, em được 9,75 và đứng đầu bảng B thành phố.

Cô Viên cho biết: “Tôi vẫn nhớ, bài thi đó con viết được 5 tờ giấy thi, chữ con lại rất đẹp. Các thầy cô đều khen là chữ con đẹp, làm toán mà như viết văn. Thường làm toán các bạn chỉ dùng những con số, nhưng Vân Anh dùng cả lời văn và lí lẽ để giải bài. Con có niềm đam mê với môn Toán từ nhỏ”.

Suốt 12 năm học, đặc biệt là những năm cấp 3, Vân Anh được bố mẹ tạo điều kiện, động viên tinh thần và chăm sóc sức khỏe.

Ngay cả khi đã đỗ vào trường Đại học Ngoại thương bằng hình thức xét tuyển học bạ, Vân Anh vẫn hướng đến mục đích khác – để lại dấu ấn cho cuộc đời học sinh và đền đáp kì vọng của thầy cô.

Mẹ em tiết lộ, trong kì thi thử đề của Sở, cả khối A01 và khối D01 em đều đứng nhất. Vân Anh được nhà trường thưởng nóng nhưng em khóc vì sợ không thể làm tốt như kì vọng của thầy cô ở những kì thi sau.

Vì vậy, cô Viên càng không áp lực, nặng nề thành tích đối với con bởi kì vọng từ nhà trường và bản thân em vốn đã rất lớn. Trong giai đoạn ôn thi, cô luôn nhắc con đi ngủ lúc 10h30 để đảm bảo sức khỏe.

Thậm chí, khi thấy con học cố, thức khuya, cô Viên dọa sẽ… tắt wifi, dập cầu dao. Cô Viên hài hước nói: “Những ngày cuối trước kì thi, Vân Anh không phải làm gì ngoài học, ăn và ngủ”.
Vân Anh giữ thói quen ngủ trước 11h30 tối và dậy lúc 5h sáng bởi ở quê em, mọi người luôn dậy rất sớm để đi làm, đi chợ. Ảnh: Chi TrầnVân Anh giữ thói quen ngủ trước 11h30 tối và dậy lúc 5h sáng bởi ở quê em, mọi người luôn dậy rất sớm để đi làm, đi chợ. Ảnh: Chi Trần
Bản thân là một giáo viên, cô Viên hiểu rõ áp lực học hành nặng nề của học sinh thời nay. Tất cả cuộc thi ở trường, ở huyện, cấp thành phố hay thi thử các cấp, cô đều đồng hành cùng con.

Có những lần phải đi xa, vào trung tâm thành phố cách nhà hơn 30km để thi học sinh giỏi, cô Viên chở Vân Anh bằng xe máy vì em bị say xe. Hai mẹ con vượt mưa nắng đi thi, dù các thí sinh khác dùng ôtô nhà trường đưa đón.

Đến địa điểm thi, Vân Anh vẫn “nũng nịu” không cho mẹ đi đâu mà phải ngồi chờ. Cứ như thế, mẹ em ngồi ở cổng trường hơn 180 phút chờ con.

Chính Vân Anh cũng thừa nhận, trong phòng thi em luôn nghĩ đến mẹ và lấy đó làm sức mạnh để nỗ lực làm tốt bài thi.

Khi được hỏi về phương pháp dạy con, cô Viên bày tỏ quan điểm: “Giáo dục phải toàn diện. Tôi không muốn áp lực vào con. Tôi cũng có kì vọng nhưng không bao giờ nói ra. Nếu tôi nói con phải thế này, phải được thế kia, thì con không chỉ phải đối mặt với núi kiến thức khổng lồ mà còn phải mang thêm gánh nặng về tâm lí”.

LEAVE A REPLY