Bài thuốc chữa bệnh từ cây vông vang

Vông vang: Vị thuốc lâu đời có tác dụng thanh nhiệt giải độc

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

  • Mặc định
  • Lớn hơn

Vông vang là vị thuốc Y học cổ truyền có lịch sử lâu đời và được sử dụng nhiều trong dân gian. Theo Y học cổ truyền, vị thuốc giúp thanh nhiệt giải độc, nhuận tràng thông tiện. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Vông vang.

Tên khác: Bông vang, Bông vàng, Bụp vang, Hoàng quỳ.

Tên khoa học: Abelmoschus moschatus, thuộc học Cẩm quỳ (Malvaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Vông vang thuộc họ Malvaceae, là cây thảo sống một năm hoặc hai năm, thường có chiều cao cây khoảng 60 đến 120 cm và toàn bộ vỏ có lông thô. Thân cây mọc thẳng.

Lá hình lòng bàn tay có 5 – 7 thùy, đường kính 5 – 15 cm, thùy hình bầu dục, hình mũi mác hoặc hình tam giác, gốc hình trái tim, có răng cưa không đều, cuống lá dài 5 – 20 cm.

Hoa đơn độc ở nách lá, cuống dài 2 – 5 cm, phủ lông cứng mọc ngược. Đài hoa giống như chùm, dài 2 – 3 cm, có 5 thùy răng ở đỉnh. Tràng hoa màu vàng, gốc trong màu tím sẫm, hoa 5 cánh, hình trứng ngược, dài 5 – 6 cm. Nhị dài khoảng 2 cm, không có lông, hình đĩa.

Quả nang hình trứng thuôn dài, dài 5 – 6 cm, đầu nhọn, phủ lông dài màu vàng, cuống quả dài 8 cm.

Hạt hình thận, có sọc xếp thành các gân tuyến.
Vông vang 1Vông vang trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Thời kỳ ra hoa từ tháng 6 đến tháng 10.

Thường mọc ở vùng đồng bằng, thung lũng, suối hoặc các bụi cây ven sườn đồi.

Phân bố ở Giang Tây, Đài Loan, Hồ Nam, Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây và Vân Nam. Ngoài ra còn có thể thấy ở các nước như Đài Loan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ.

Bộ phận sử dụng

Hầu hết các bộ phận của cây Vông vang đều được dùng làm thuốc. Hạt của cây cũng có khi được dùng nhưng ít phổ biến hơn. Thu hái vào mùa hè và mùa thu, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô.
Vông vang 2Hầu hết các bộ phận của cây Vông vang đều được dùng làm thuốc

Thành phần hoá học

Lá Vông vang chứa β-sitosterol và β-sitosterol-β-D-glucoside. Hoa chứa β-sitosterol, myricetin và myricetin-glucoside. Vỏ cây sấy khô có chứa beta-sitosterol. Hạt chứa a-cephalin, phosphatidylserine, phosphatidylserine plasmalogen và phosphatidylcholine plasmalogen.

Ngoài ra, Vông vàng cũng chứa campesterol, sitosterol, stirysterol, cholesterol và ergosterol.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Vông vang theo Y học cổ truyền có vị ngọt, tính hàn và quy kinh Phế, Tâm. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, nhuận trường, thông tiện, hóa ứ. Chủ yếu dùng cho các trường hợp sốt cao kéo dài, ho do phế nhiệt, kiết lỵ, táo bón, tắc sữa sau sinh, nhọt và áp xe.
Vông vang 3Theo Đông y, Vông vang có thể điều trị sốt cao kéo dài

Theo y học hiện đại

Tác dụng kiểm soát đường huyết

Nghiên cứu cho thấy chiết xuất của cây Vông vang có hàm lượng flavonoid polyphenolic cao và cho thấy các đặc tính của rosiglitazone (4 mg/kg mỗi ngày) – một loại thuốc điều trị đái tháo đường.

Điều trị bằng chiết xuất Vông vang trong 2 tuần đã làm tăng tín hiệu insulin sau thụ thể qua trung gian bằng cách cải thiện bước phosphatidylinositol 3-kinase liên quan đến cơ chất của thụ thể insulin và sự chuyển vị của phân nhóm vận chuyển glucose loại 4 trong cơ chế kháng insulin. Do đó, Vông vang được đề xuất là liệu pháp bổ trợ hữu ích cho những bệnh nhân kháng insulin và/hoặc những đối tượng muốn tăng độ nhạy insulin.

Tác dụng điều trị sỏi tiết niệu

Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng bổ sung chiết xuất Vông vang giúp cải thiện đáng kể tốc độ lọc cầu thận và bài tiết tổng lượng protein qua nước tiểu. Nồng độ creatinin huyết thanh, axit uric và nitơ urê trong máu tăng cao cũng được ngăn chặn nhờ chiết xuất Vông vang. Các chất chiết xuất làm giảm đáng kể sự lắng đọng vôi quang ống thận.

Do đó, chiết xuất từ ​​hạt Vông vang có hoạt tính chống sỏi niệu đáng kể. Cơ chế có thể có của tác dụng này được điều hòa chung thông qua tác dụng lợi tiểu, chống oxy hóa và loại bỏ gốc tự do của cây.
Vông vang 4Chiết xuất từ Vông vang có tác dụng điều trị sỏi tiết niệu
Tác dụng chống ung thư

Một loạt các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Vông vang có tác dụng ức chế nhất định đối với sự phát triển của các tế bào khối u ác tính.

Nghiên cứu cho thấy rằng sự tăng sinh của khối u bị ức chế theo cách phụ thuộc vào nồng độ sau khi tiếp xúc với chiết xuất AMS-IV và AML-IV đối với các dòng tế bào ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng (COLO-205) và ung thư nguyên bào võng mạc (Y79).

Độc tính tế bào ở chiết xuất lá Vông vang cao hơn một chút so với chiết xuất hạt ở cả hai dòng tế bào được thử nghiệm. Mặc dù hoạt tính thấp so với thuốc tiêu chuẩn, điều này có thể là do tính chất thô của chất chiết xuất, có thể được tăng cường hơn nữa bằng quá trình tinh chế. Có thể suy ra rằng chiết xuất hydroalcoholic của hạt và lá của Vông vang có thể hữu ích như một chất chống tăng sinh các tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn diễn tiến nặng lên của bệnh nhân ung thư.
Vông vang 5Chiết xuất từ Vông vang có tác dụng chống ung thư
Tác dụng chống oxy hóa

Nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng Vông vang chứa một lượng đáng kể polyphenol và flavonoid và thể hiện hoạt động chống oxy hóa tốt bằng cách loại bỏ hiệu quả các gốc tự do khác nhau.

Tác dụng kháng nấm

Các chất ức chế trypsin (AMTI-I và AMTI-II) phân lập từ hạt Vông vang đều có hoạt tính mạnh ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của Candida albicans, Candida tropicalis, Aspergillus flavus, Saccharomyces cerevisiae, Candida glabrata và Aspergillus niger.

Tác dụng tăng cường trí nhớ

Bệnh Alzheimer là một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển, đặc trưng bởi sự suy giảm dần dần trí nhớ. Nghiên cứu hiện tại được thực hiện để điều tra tác dụng tăng cường trí nhớ của Vông vang. Chiết xuất ethanol của hạt Vông vang được dùng trong 7 ngày liên tiếp cho chuột non.

Điều trị bằng chiết xuất Vông vang trong bảy ngày liên tiếp đã cải thiện đáng kể khả năng học tập và trí nhớ ở chuột và đảo ngược tình trạng mất trí nhớ do Diazepam gây ra. Chiết xuất Vông vang cũng làm giảm hàm lượng AchE và Malondialdehyde toàn bộ não và làm tăng lượng glutathione giảm trong não.

Do đó Vông vang có thể là một ứng cử viên đầy hứa hẹn để cải thiện trí nhớ, hoạt động chống cholinesterase và đặc tính chống oxy hóa trên những trường hợp mắc bệnh Alzheimer.
Vông vang 6Chiết xuất từ cây Vông vang có tác dụng điều trị bệnh Alzheimer
Tác dụng kháng virus

Triterpenoid từ rễ và thân rễ của Vông vang cho thấy hoạt động gây độc tế bào trong tế bào virus B bằng cách ức chế sự sao chép DNA của chúng. Hiện tại, người ta chủ yếu báo cáo rằng Terpenoids trong Vông vang có hoạt tính chống virus nhất định, nhưng có rất ít nghiên cứu về nguyên lý chống virus, vì vậy cần thêm nhiều nghiên cứu về tác dụng này của Vông vang.

Liều dùng & cách dùng

Dùng đường uống: Thuốc sắc, 9 – 15g.

Dùng ngoài: Lượng vừa đủ, giã tươi để bôi ngoài da.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa tiểu đục

Chuẩn bị: 5g rễ Vông vang.

Thực hiện: Đem rễ Vông vang giã nát, chỉ lấy 1/4 nước, sau đó phơi sương trong 1 đêm và dùng uống khi đói.

Bài thuốc chữa bụng trướng và đại tiện táo bón

Chuẩn bị: 10g hạt Vông vang.

Thực hiện: Sắc uống ngày 2 lần.

Bài thuốc chữa chứng tiểu gắt

Chuẩn bị: 10g hạt Vông vang, 10g Mộc thông và 5g Hoạt thạch.

Thực hiện: Các vị thuốc bỏ chung sắc uống ngày 2 lần.

Bài thuốc chữa mụn nhọt

Chuẩn bị: 5g Rễ gai và 5g rễ Vông vang.

Thực hiện: Đem rẽ rửa sạch, để ráo và giã nát rồi đắp lên mụn nhọt.

Bài thuốc chữa rắn cắn

Chuẩn bị: 20g hạt Hồng bì, 20g lá Vông vang và 50g lá Dây bông báo.

Thực hiện: Đem rửa sạch, để ráo và giã nát dược liệu, dùng nước cốt xoa lên vết cắn. Sau đó đem bã dược liệu đắp lên vết rắn cắn. Hoặc dùng dược liệu tán bột và rắc lên vết thương. Tuy nhiên, rắn căn là một tình trạng nguy hiểm, cần đưa bệnh nhân ngay đến phòng cấp cứu để điều trị kịp thời.

Lưu ý

Vông vang thường được sử dụng trong Y học cổ truyền để điều trị nhiều bệnh lý. Vông vang là vị thuốc không có độc, tuy nhiên nếu dùng nhiều có thể có một số tác dụng phụ không mong muốn. Cần có một số lưu ý khi sử dụng Vông vang như:

  • Tuân thủ theo chỉ định sử dụng của bác sĩ Y học cổ truyền trong việc sử dụng Vông vang để điều trị bệnh. Không được tự ý sử dụng dược liệu tại nhà mà không có sự hướng dẫn và giám sát từ chuyên gia.
  • Phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ nhỏ có thể sử dụng nhưng vẫn phải được theo dõi bởi bác sĩ Y học cổ truyền.
  • Không dùng cho người âm hư hỏa vượng với các biểu hiện như gò má đỏ, tâm phiền bứt rứt, người khô khát, lòng bàn tay chân nóng.
  • Không dùng cho người mẫn cảm, dị ứng với Vông vang.

Vông vang 7Tuân thủ theo chỉ định sử dụng của bác sĩ Y học cổ truyền trong việc sử dụng Vông vang
Vông vang đã được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền. Nó được cho là có tác dụng thanh nhiệt giải độc, nhuận trường, thông tiện, hóa ứ. Chủ yếu dùng cho các trường hợp sốt cao kéo dài, ho do phế nhiệt, kiết lỵ, táo bón, tắc sữa sau sinh, nhọt và áp xe…

Nghiên cứu y học mới nhất đã phát hiện ra rằng Vông vang có thể chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống tăng sinh khối u, tăng nhạy cảm với insulin và cải thiện trí nhớ trên các thử nghiệm in vitro và in vivo. Tuy nhiên, việc sử dụng Vông vang nên tuân theo chỉ định, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh tương tác thuốc.