(Dân trí) – Quản lý thị trường Vĩnh Phúc xử phạt hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh gần 50 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số dầu gội đầu giả mạo nhãn hiệu lớn, nhập lậu không có hóa đơn chứng từ.
Đội Quản lý thị trường số 5 – Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường – Công an tỉnh Vĩnh Phúc, kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh ở Tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên.
Qua kiểm tra phát hiện tại đây kinh doanh 300 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Tresemme do nước ngoài sản xuất (Made in Thailand) không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, là hàng giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Hơn 400 chai dầu gội đầu các nhãn hiệu Sunsilk, Pantene, Clear, Dove và 22 chai lăn khử mùi nhãn hiệu Scion Brightening do nước ngoài sản xuất cũng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, được xác định là hàng hóa nhập lậu.
Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh (Ảnh: Hiếu Ánh).
Từ kết quả đó, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành quyết định xử phạt hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh 46 triệu đồng vì buôn bán hàng hóa là mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm nhập lậu.
Quản lý thị trường Vĩnh Phúc đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng mỹ phẩm vi phạm nói trên, tổng trị giá 47 triệu đồng.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) vừa ban hành quyết định xử phạt 200 triệu đồng với Công ty TNHH Nhất Nhất vì đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Nước ngậm răng miệng – một sản phẩm của Nhất Nhất nằm trong danh sách thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng – Ảnh: Chụp màn hình
Thông tin từ Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết đơn vị này vừa ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đối với Công ty TNHH Nhất Nhất.
Nội dung quyết định là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh đối với Công ty TNHH Nhất Nhất với số tiền 200 triệu đồng về hành vi đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Những sản phẩm đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng gồm: sản phẩm sữa rửa mặt Lenka, nước ngậm răng miệng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất Kid… nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác, vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 điều 45 Luật Cạnh tranh.
Theo cơ quan chức năng, trong quá trình điều tra, Công ty TNHH Nhất Nhất đã phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm.
Ngoài ra Nhất Nhất đã cải chính công khai thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm sữa rửa mặt Lenka, nước ngậm răng miệng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất Kid… trên trang thông tin điện tử của công ty.
Tháng 5-2016, Công ty TNHH Nhất Nhất cũng đã bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì quảng cáo thuốc hoạt huyết Nhất Nhất không đúng với nội dung đã đăng ký.